“Con tôi thu mình và rất khó chia sẻ cảm xúc với mẹ. Con tôi hay cáu kỉnh khi bị mẹ phê bình. Con tôi không bao giờ nghe lời bố mẹ…” Rất nhiều những lời than phiền mà cha mẹ dành cho con. Hầu hết chúng ta đều cho rằng con mình quá cá biệt, khó bảo.
Đừng vội nhìn con dưới góc nhìn quá khắt khe, chỉ là chúng ta chưa biết cách gợi sự tích cực để con phát huy và hạn chế những điểm tiêu cực. 5 cách đơn giản như thế này sẽ giúp cha mẹ hiểu được thế giới tâm lý của con để có thể cùng con đồng điệu.
1. Hãy luôn quan sát các hành vi của con
Hành vi sẽ thể hiện tâm lý của con đấy cha mẹ ạ. Một đứa trẻ đang chơi trò ghép hình nhưng không sao ghép được, nó liền bực bội và ném cả bộ ghép hình đi. Cha mẹ thấy chưa, chắc chắn con đang mất kiên nhẫn và muốn phá bỏ cả trò chơi. Nếu quan sát chúng ta sẽ kịp thời cho con những lời khuyên hữu ích, gợi ý để con bình tĩnh làm lại một lần nữa hay tìm tòi đến khi nào thành công mới thôi.
Muốn tâm lý của trẻ phát triển tốt, muốn hiểu được căn nguyên của mọi vấn đề thì đừng quên quan sát từng hành vi, hoạt động của con. Không phải đứa trẻ nào cũng có chung một công thức về tâm lý, tính cách. Cha mẹ hãy là “người thuyền trưởng” để cho con một hướng phát triển tâm lý đi đúng đắn nhất.
2. Hãy làm một người bạn thực sự của con
Tại sao con lại không sẵn sàng mở lòng cùng cha mẹ? Tại sao khi bị quát mắng trẻ lại có dấu hiệu bực dọc thậm chí là tự kỷ. Hãy nhìn lại cách mà chúng ta đang hành xử với con đi cha mẹ nhé! Nếu chúng ta nghĩ rằng ta là cha, là mẹ phải dạy dỗ, phải phạt khi con làm sai, phải mắng mỏ khi con không ngoan, sợi dây tình cảm sẽ xa dần. Con trẻ sẽ có cảm giác sợ hãi hơn là thân thiết. Dần dần trẻ có tâm lý thu mình lại để tránh bị mắng mỏ.
Đừng trách con bạn khi chúng có biểu hiện như vậy. Hãy xem mình đã thực sự trở thành một người bạn của con chưa? Bạn đã bao giờ nói chuyện với chúng, cùng chúng đánh giá mọi việc xung quanh như một người bạn? Hãy lắng nghe những quan điểm riêng của con. Thay vì mắng mỏ hãy giải thích một cách nhẹ nhàng. Và đừng quên, nếu cha mẹ làm sai hãy dũng cảm để nói lời xin lỗi với con.
3. Đừng quên dành thời gian ở bên con
Cuộc sống càng hiện đại cha mẹ càng bận rộn. Có quá nhiều những mối quan tâm khiến chúng ta bị cuốn đi. Nhiều khi vì muốn làm việc riêng của mình mà chúng ta ném cho con chiếc điện thoại. Dần dần con sẽ tự thu mình lại. Thế giới của con biến động tích cực hay tiêu cực với những điều con nghe, con thấy và con xem.
Muốn hiểu được tâm lý con trẻ điều đơn giản nhất chính là hãy dành thời gian cho con, lắng nghe tâm sự của con và giúp con hiểu rằng cha mẹ luôn sẵn sàng đồng hành trong mọi chặng đường phát triển.
4. Hãy để con hiểu được trách nhiệm trong từng việc mình làm
Nếu bạn muốn con mình tự lập hãy dạy chúng biết chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Hãy khuyến khích con nhận lỗi khi con làm sai. Hãy khen ngợi con khi con tỏ ra có trách nhiệm. Chỉ những việc đơn giản như thế cha mẹ đã phát triển lòng tự tôn của trẻ, giúp trẻ biết thế nào là đúng sai và trách nhiệm với từng việc mình làm.
5. Hãy để con tham gia vào các quyết định của gia đình
Con là một thành viên của gia đình. Chúng sẽ cảm thấy thật tuyệt nếu mẹ hỏi tối nay chúng ta nên ăn gì, chúng ta nên chọn rèm cửa màu gì, quần áo như thế nào? Cách mà bạn đang tôn trọng con sẽ giúp chúng hiểu mình được sự tôn trọng, bản thân sẽ có trách nhiệm với gia đình hơn.
Bạn đã thử làm những điều này với con yêu của mình chưa? Tôi dám chắc rằng nếu bạn thực lòng muốn hiểu tâm lý con và muốn con mình phát triển tâm lý tốt nhất, điều đó không hề khó khăn chút nào.