9 nguyên nhân khiến con chậm nói, mẹ nào cũng giật mình

Giây phút con cất tiếng gọi mẹ đầu tiên thiêng liêng lắm, kỳ diệu lắm phải không các mẹ? Hạnh phúc biết bao khi nghe con bập bẹ những tiếng nói đầu đời. Nhưng không ít mẹ lại vô cùng mong chờ và sốt ruột vì con quá chậm nói. Mẹ có biết vì sao không?

Mỗi trẻ là một cá nhân riêng biệt, không ai giống ai. Chính vì thế giai đoạn phát triển của mỗi trẻ là khác nhau, có trẻ tập nói khi mới 12 tháng tuổi, nhưng cũng có trẻ 24 tháng tuổi mới bi bô. Theo mốc phát triển thông thường, trung bình từ 18 tháng tuổi trở lên là trẻ có thể nói được những từ đơn giản như “bà, ba, mẹ”. 24 tháng tuổi mà trẻ chưa nói thì được coi là chậm nói. Rất nhiều mẹ đã phải giật mình khi biết 9 nguyên nhân này đã hạn chế khả năng nói của con.

1. Trẻ bị khiếm khuyết cơ quan trong vòm miệng

Những trường hợp như bé bị hở hàm ếch, biến dạng môi, hở môi sẽ khiến cho vận động cơ miệng khó khăn trong việc phát âm các chữ. Để khắc phục cha mẹ có thể cho con đi thực hiện các tiểu phẫu để cải thiện, kết hợp với phương pháp dạy trẻ nói hàng ngày thì tình trạng có thể cải thiện trong vòng 3 – 6 tháng.

2. Trẻ gặp phải vấn đề về thính lực

Trẻ không nói được có thể một phần do trẻ không nghe được, không bắt chước và tiếp nhận được ngôn ngữ. Cần cho trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được kiểm tra để chẩn đoán chính xác vấn đề trẻ chậm nói có phải do mất thính lực không.

3. Trẻ có các bệnh lý về não và thần kinh

Chấn thương sọ não, bại não, loạn dưỡng cơ là các bệnh lý gây ảnh hưởng tới vùng não đảm nhiệm khả năng nói và tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ. Con cần được chụp X quang, CT não để phát hiện những bất thường trong não từ đó định hướng phương pháp hỗ trợ điều trị.

4. Trẻ bị Shock tâm lý

Trẻ em là đối tượng rất dễ nhạy cảm với các yếu tố xung quanh như tác động của gia đình, môi trường sống.
Ví dụ: Bố mẹ ly hôn, hoặc thường xuyên xảy ra xung đột trước mặt con. Những vấn đề này có thể gây ra những cú shock tâm lý cho trẻ, khiến trẻ có xu hướng thu mình, không muốn giao tiếp, không muốn nói chuyện dẫn tới vốn từ ít ỏi, cơ quan phát âm không được luyện tập thường xuyên. Lâu dần con sẽ không có khả năng phát âm.
Để tránh được những cú shock như thế này, bố mẹ cũng như những người thân trong gia đình cần chú ý trong cách hành xử của mình trước mặt trẻ, để trẻ phát triển một cách tự nhiên nhất.

5. Trẻ tiếp xúc với tivi, ipad, điện thoại quá sớm

Đây là nguyên nhân thường gặp trong cuộc sống hiện nay ở mỗi gia đình. Cuộc sống bộn bề với bao nhiêu lo toan: nỗi lo cơm áo gạo tiền, khiến bố mẹ không có nhiều thời gian ở bên quan tâm và chăm sóc con.
Có thể bố mẹ nghĩ đây là việc rất bình thường nhưng vô hình chung những điều này có thể khiến con chậm nói. Vì sao vậy? Khi trẻ tiếp xúc nhiều với điện thoại, xem tivi trẻ sẽ thụ động nghe, không có tương tác hai chiều, điều này dẫn đến cơ quan phát âm của trẻ không được hoạt động. Còn khi nói chuyện với bố mẹ thì trẻ vừa là người nghe, vừa là người nói và có thể bày tỏ ý kiến của mình.

6. Trẻ không được nói chuyện thường xuyên

Khi trẻ bước vào giai đoạn tập nói chỉ bi bô một số từ. Giai đoạn này con nói chậm, không rõ ràng vì vốn từ chưa nhiều, cơ quan phát âm chưa linh hoạt, phần lớn là học theo những gì người lớn dạy.
Do đó bố mẹ cần kiên nhẫn, bởi dù trẻ nói ít, nhưng thông qua lắng nghe bố mẹ nói sẽ giúp trẻ tăng khả năng phản xạ và tăng vốn từ cho trẻ.

7. Trẻ ít được tiếp xúc với môi trường bên ngoài

Mỗi bậc làm cha mẹ luôn bao bọc che chở cho con. Nhưng đôi khi việc bao bọc không cho con tiếp xúc với môi trường xung quanh lại vô hình làm hạn chế đến sự phát triển của trẻ. Xã hội có người tốt và kẻ xấu, không cho con ra ngoài không phải là biện pháp bảo vệ con trước các tác động xấu một cách tốt nhất.
Trẻ cần được giao lưu, hòa nhập với bạn bè xung quanh, được nô đùa thỏa thích. Môi trường này sẽ kích thích trẻ nảy sinh nhu cầu giao tiếp.

8. Trẻ sinh non thường chậm nói

Trẻ sinh thiếu tháng có nguy cơ chậm nói cao hơn trẻ sinh đủ tháng. Trong quá trình phát triển trẻ khó đạt được những mốc phát triển thông thường, mặc dù trẻ vẫn phát triển bình thường nhưng vẫn xuất hiện dấu hiệu chậm nói.

9. Trẻ chậm nói do tự kỷ

Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan tỏa xuất hiện sớm trong những năm đầu đời của trẻ với 3 đặc trưng cơ bản là giảm tương tác xã hội, giảm giao tiếp ngôn ngữ (chậm nói) và có hành vi bất thường.
Chậm nói là dấu hiệu điển hình của trẻ tự kỷ. Với nguyên nhân chậm nói do tự kỷ, cha mẹ cần phát hiện sớm và can thiệp ngôn ngữ bởi các nhà trị liệu để cải thiện tình trạng của trẻ sớm nhất có thể. Bởi hội chứng tự kỷ là hội chứng suốt đời, nó sẽ ảnh hưởng xuyên suốt cuộc đời của trẻ sau này.

Trẻ chậm nói có thể là vấn đề rất bình thường nhưng cũng có thể là những vấn đề về bệnh lý, cha mẹ cần theo sát con để phát hiện kịp thời những dấu hiệu chậm nói ở trẻ để can thiện kịp thời trước khi quá muộn.

Bài viết hay! Bấm "Chia sẻ" cho bạn bè:
  • 9
  •  
  •  
Diễn đàn hỏi đáp
banner hỏi đáp chuyên gia nuoiconkhahoc.vn