Bé dù khó tính đến đâu cũng sẽ ti bình thun thút nếu mẹ áp dụng cách này

Bé có đói tới mấy nhưng nếu mẹ cho ti bình, bé vẫn phản đối. Mẹ đã thử đủ mọi cách mà vẫn chưa hiệu quả? Đừng vội đầu hàng bằng việc đổ thìa vất vả. Hãy áp dụng ngay biện pháp này mẹ nhé!

Mẹ có biết vì sao bé không chịu bú bình?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ không thích bú bình như:

Bé thích ti mẹ hơn. Bé cảm thấy núm vú của bình cứng trong khi “ti mẹ” thì mềm mại, dễ chịu hơn. Có những bé mặc dù đã chịu bú bình nhưng do thay đổi người cho ăn khiến bé chưa quen với thay đổi này nên có thể phản ứng bằng cách không chịu hợp tác.

Bé dưới 6 tháng tuổi, vừa được bú mẹ vừa được bú bình. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, bạn quyết định cho bé bú mẹ hoàn toàn (tạm thời ngưng cho bé bú bình) thì sau một vài tháng, bé có thể từ chối quay lại việc bú bình.

Nhiều bé quen “hơi sữa mẹ”. Nếu bạn cho bé bú bình, bé sẽ rúc vào ngực mẹ “đòi ti” và nhất quyết không chịu bú bình. Hoặc bé từ chối bú bình là do mùi vị sữa khiến bé không thích.

Có bé đến thời kỳ mọc răng có phản ứng “chống đối” với việc bú bình. Lúc này, bé thích cắn chặt răng vào núm vú của bình sữa, chứ nhất quyết không chịu mút sữa.

Cách hay giúp bé ti bình thun thút

Với những bé không chịu bú bình (mà thích nhai núm vú của bình sữa) do những khó chịu trong thời kỳ mọc răng, bạn có thể đưa cho bé một cái ngậm nướu trước khi cho bé bú bình. Điều này làm giảm những kích thích do răng miệng gây ra nên bé sẽ ít thích “nhai” núm vú cao su của bình sữa. Bạn có thể cho bé làm quen với núm vú của bình sữa bằng cách vắt sữa mẹ vào trong bình và cho bé bú. Khi bé đã quen rồi, bạn mới nên pha sữa ngoài vào bình và cho bé bú.

Hãy đổi núm vú (chọn loại mềm) của bình sữa cho bé. Nhiều bé thích ngậm núm vú của bình sữa một lúc trước khi chịu mút sữa. Lúc đầu, có thể bé chỉ chịu bú một lượng sữa nhỏ trong bình. Bạn cũng không nên quá lo lắng vì điều này. Nếu bạn kiên trì, bé sẽ bú được một lượng sữa bình nhiều hơn trong thời gian tới.

Có thể nhờ người thân trong gia đình cho bé bú bình. Nhiều bé phát hiện ra việc “ti mẹ” dễ chịu hơn nên nhất quyết không chịu “măm măm” khi mẹ cho bú bình.

Một vài lời khuyên để bé đã quen bú mẹ chấp nhận bú bình

Không được tập cho bé bú bình trước 2 tháng tuổi, cho dù bạn có chọn cách vắt sữa mẹ và cho vào bình sữa của con. Nếu được làm quen với bình sữa quá sớm, bé có thể sẽ quen với bú bình mà từ chối ti mẹ, khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ kết thúc sớm.

Nên tập cho bé bú bình trước khi mẹ đi làm hai tuần. Tuy nhiên, nên vắt sữa mẹ bỏ vào bình sữa để bé vừa học bú bình, vừa không lãng phí nguồn sữa mẹ.

Bạn cần kiên nhẫn vì bé có thể “chống đối” quyết liệt vì ghét núm vú bình sữa. Nếu kiên trì và tập cho bé dần dần thì sẽ thành công.

Một số bé chịu bú bình nếu được ở trong môi trường quen thuộc khi bú mẹ. Tức là trái ngược với gợi ý trên, một số bé chỉ chịu mút bình khi nằm trong vòng tay thân thuộc của mẹ. Có những bé chịu bú bình khi được bế thẳng lên một chút, nghiêng bình sữa khiến bé dễ hút. Bé sẽ chịu ăn hơn khi cảm thấy thoải mái và không bị cơn đói “dày vò”.

Đưa núm vú vào miệng bé đúng cách: Thay vì “nhét” núm vú bình sữa vào miệng con, bạn chỉ nên chạm núm vú vào môi bé và đợi bé mở rộng miệng “đón” núm vú bình như cách bé bú mẹ, với miệng bé mở to chắc chắn là miệng bé ôm núm vú với độ rộng, không phải chỉ “nhay” mỗi đầu núm vú.

Tránh cho bé bú nằm: Lực hút sữa từ bình sữa khi bé bú nằm khiến sữa dễ bị xâm nhập vào vòi tai, gây nhiễm trùng tai (đặc biệt nếu dùng sữa công thức).

Chúc mẹ thành công khi luyện cho bé bú bình bằng những cách đơn giản trên đây.

Bài viết hay! Bấm "Chia sẻ" cho bạn bè:
  •  
  •  
  •  
Diễn đàn hỏi đáp
banner hỏi đáp chuyên gia nuoiconkhahoc.vn