Con lên mụn sữa, lo hay không lo? Mặc kệ hay cần trị mụn ngay?

20% trẻ sơ sinh có hiện tượng lên mụn sữa trên má, trán, lưng, cằm ngay khi chào đời, hoặc 1 vài tuần sau sinh. Mụn sữa sẽ nổi nhiều hơn khi trời nóng, da bị dính sữa, nước bọt hoặc khi tiếp xúc với quần áo. Nên để mụn tự hết hay cần có biện pháp điều trị ngay?

Vì sao trẻ sơ sinh có mụn sữa?

Sau khi sinh 1 tuần mẹ sẽ thấy trên phần mặt, trán, chân tay trẻ xuất hiện những mụn nhỏ li ti. Những mụn này có thể mất sau vài ngày nhưng một số trẻ thì phải chờ thêm 1 – 2 tháng mụn sữa mới mất đi.

Nhiều nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do hormone của người mẹ chuyển sang bé trong những tháng cuối thai kỳ. Hoặc có thể do trong thời gian mang thai, mẹ hoặc trẻ bị các vấn đề về sức khỏe nên phải dùng thuốc. Và mụn sữa xuất hiện là do tác dụng phụ của thuốc.

Có trường hợp thời tiết thay đổi, bị nóng lên khiến mụn sẽ bị đỏ tấy lên. Khi trẻ quấy khóc quá nhiều hoặc khi da tiếp xúc nhiều với sữa mẹ, chất tẩy rửa sót lại trên quần áo hoặc nước bọt cũng làm mụn sữa mọc nhiều hơn.

Uống sữa bột cũng có thể khiến trẻ bị mụn sữa vì trong sữa có nhiều đạm albumin. Mẹ ăn quá nhiều đồ nóng mà hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn non yếu cũng có thể là nguyên nhân kích thích mụn sữa mọc nhiều. Một nguyên nhân khác cũng có thể gây ra mụn sữa là do trẻ bị phì đại tuyến bã.

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh có tự hết không?

Dù các loại mụn sữa trên cơ thể bé sơ sinh có thể khiến mẹ khá là lo lắng nhưng chúng sẽ không cần một biện pháp chữa trị nào đặc biệt. Sau vài tuần, các mụn này sẽ tự biến mất.

Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp trẻ bị mụn sữa lâu hơn, thậm chí kéo dài vài tháng. Nếu mẹ theo dõi thấy những đốm mụn của bé không hết sau 3 tháng hoặc có dấu hiệu như sưng đỏ, mưng mủ, lan rộng trên mặt và trên cơ thể, lúc này nên đưa bé đi khám da liễu.

Trẻ bị mụn sữa mẹ nên làm gì?

Tuy không đòi hỏi một lối chăm sóc đặc biệt, tình trạng mụn sữa ở trẻ sơ sinh vẫn cần được theo dõi và xử lý đúng cách. Dưới đây là những lời khuyên cho mẹ:

Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo da trẻ khô thoáng, cho trẻ mặc những loại đồ có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, sử dụng sữa tắm chuyên dành cho trẻ sơ sinh. Tắm xong cần lau người thật khô. Nên duy trì việc cho trẻ bú mẹ trực tiếp. Mẹ cũng nên tránh ăn những đồ ăn dễ gây dị ứng để đảm bảo sữa mẹ an toàn, không có các tác nhân có thể gây kích ứng cho trẻ.

Những trẻ lên mụn sữa làn da rất nhạy cảm. Bởi vậy, mẹ không nên cho trẻ mặc quần áo len hay lông vì dễ gây kích ứng da. Không nên kỳ cọ da trẻ mạnh khi tắm. Không nên dùng sữa tắm hay xà bông có tính tẩy hay kích thích mạnh. Tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên da trẻ vì nóng bức khiến mụn sữa mọc nhiều hơn. Nếu tắm nắng nên chọn khung giờ buổi chiều để tránh quá nóng. Không được sử dụng kem, dầu dưỡng ẩm và các loại thuốc trị mụn để tự ý điều trị cho trẻ, vì dễ gây kích ứng, nhiễm trùng da.

Hy vọng sau những chia sẻ trên đây mẹ không còn quá lo lắng khi con bị mụn sữa và sẽ biết cách chăm sóc để mụn sữa không khiến cho trẻ khó chịu, quấy khóc.

Bài viết hay! Bấm "Chia sẻ" cho bạn bè:
  •  
  •  
  •  
Diễn đàn hỏi đáp
banner hỏi đáp chuyên gia nuoiconkhahoc.vn