Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt trong thời điểm mùa dịch bùng phát. Các mẹ cần nắm được những thông tin cơ bản về bệnh, cách phòng tránh và chăm sóc trẻ khi mắc sốt xuất huyết để tránh những biến chứng nguy hiểm.
1. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết
Với bản tính hiếu động, muốn khám phá thế giới xung quanh nên trẻ nhỏ thường thích chơi ở những chỗ tối – là “địa bàn hoạt động” của các loài muỗi, nên rất dễ bị chúng tấn công.
Mặt khác, trẻ hoạt động thường xuyên nên thân nhiệt thường cao, lượng mồ hôi cũng tiết ra nhiều hơn, điều này khiến muỗi dễ dàng phát hiện và đốt trẻ. Hơn nữa, trẻ chưa có ý thức phòng chống muỗi đốt nên vẫn để chúng “tự do” tung hoành. Đáng chú ý, khi bị muỗi đốt, sức đề kháng của trẻ cũng yếu hơn người lớn nên lại càng dễ bị mắc bệnh hơn.
Đặc biệt, mùa hè cũng là thời điểm trẻ được nghỉ ngơi nên có dịp tham gia nhiều các hoạt động ngoài trời như dã ngoại, du lịch,… Điều này sẽ giúp trẻ phát triển kĩ năng hơn song lại tiềm ẩn nguy cơ bị muỗi đốt nhiều hơn.
2. Dấu hiệu cho biết trẻ mắc sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra và lây lan do muỗi vằn hút máu từ người bệnh truyền sang người lành. Loại muỗi vằn này sinh sống ở khắp mọi nơi và hoạt động thường xuyên ở những chỗ ẩm thấp, góc tối và nơi nước đọng.
Các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát từ 4-6 ngày sau khi trẻ bị nhiễm virus. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn dưới đây:
– Giai đoạn khởi phát: Ở giai đoạn này, trẻ sẽ sốt cao đột ngột và liên tục từ 38-39 độ. Lúc này trẻ hay khó chịu, quấy khóc, chán ăn, buồn nôn, nôn, có biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng. Xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, tiêu ra máu, số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần.
– Giai đoạn nguy hiểm: Ngay sau giai đoạn sốt, trẻ sẽ bước vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Thời điểm này thường rơi vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Biểu hiện của giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể tràn dịch màng phổi màng bụng, phù nề mi mắt, gan to bất thường. Đồng thời có thể có các biểu hiện như thoát huyết tương.
Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện: vật vã, bứt rứt, ngủ li bì mê man, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, tiểu ít, xuất hiện các mảng bầm tím, xuất huyết dưới da, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp. Xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, lợi; tiểu ra máu…
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng; xuất huyết không phải là dấu hiệu bắt buộc khi trẻ sốt xuất huyết. Thực tế vẫn có nhiều trẻ mắc bệnh nhưng không hề có dấu hiệu xuất huyết. Do đó, dù có hay không có triệu chứng này thì bệnh vẫn có thể đã tới giai đoạn nguy hiểm, có thể dễ bị tử vong nếu bị sốc với những biểu hiện: giảm huyết áp, giảm nhiệt độ, giảm tri giác. Trường hợp nặng có thể bị rối loạn đông máu.
– Giai đoạn phục hồi: Sau giai đoạn nguy hiểm 2-3 ngày chính là giai đoạn phục hồi. Lúc này trẻ đã có những biểu hiện tích cực: Hết sốt, tình trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và đi tiểu nhiều. Đồng thời khi xét nghiệm máu sẽ thấy số lượng tiểu cầu trở về bình thường, trong khi số lượng bạch cầu thì tăng nhanh.
3. Nguyên tắc điều trị bệnh sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ
Khi thấy trẻ bị sốt cao từ 38,5 độ trở lên cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều chỉ định, lau mát bằng nước ấm.
Trong thời điểm này, mẹ nên cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, sữa; cho trẻ uổng nhiều nước hơn bình thường để giải nhiệt cơ thể đồng thời bổ sung Vitamin C tự nhiên để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Nếu thấy có một trong các dấu hiệu bất thường như: tay chân lạnh, ngủ li bì, bỏ ăn uống, chảy máu cam thì cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.
Đặc biệt mẹ cần chú ý: Không được cho trẻ uống Aspirin (vì sẽ gây thêm xuất huyết), không cạo gió vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu cho trẻ.
4. Các bảo vệ trẻ khi dịch sốt xuất huyết vào mùa?
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh vì thế để phòng tránh sốt xuất huyết, thời gian này các mẹ phải lưu ý bảo vệ bản thân con mình tránh khỏi muỗi đốt bằng cách cho bé mặc quần áo dài tay, hạn chế mặc sẫm màu khi ra ngoài vì màu tối rất thu hút côn trùng, đặc biệt là muỗi. Cho bé ngủ màn, kể cả ban ngày. Không nên để trẻ ở những nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp. Còn tại gia đình, phát tan môi trường sinh sống của muỗi là nguyên tắc đầu tiên các mẹ phải luôn ghi nhớ. Dọn dẹp nhà cửa cho thông thoáng, phát quang những bụi rậm xung quanh, phun thuốc diệt muỗi ít nhất 2 lần mỗi tuần.
Bên cạnh đó, chủ động tăng cường sức đề kháng, bảo vệ thành mạch, giúp trẻ khỏe mạnh phòng chống bệnh tật cũng như ngăn ngừa biến chúng sốt xuất huyết được xem là phương thức hiệu quả nhất. Để làm được điều này, mẹ cần phải bổ sung Vitamin C thường xuyên cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn nhiều loại trái cây, rau xanh chứa nhiều C như cam, xoài… Ngoài ra các mẹ đừng quên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng một chế độ dinh dưỡng đủ đầy.