Có vào bệnh viện mới chứng kiến cảnh những bệnh nhân bị viêm não di chứng thần kinh, bại não, dù được cứu sống nhưng phải sống thực vật cả đời…
Chia sẻ bên lề Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019 được Bộ Y tế tổ chức sáng 11/6, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện bệnh viện có khoảng 7 trẻ mắc viêm não nhật bản B.
Viêm não có thể do virus, vi khuẩn. Tìm được căn nguyên chỉ khoảng 50-60%.
“Bệnh viêm não Nhật Bản do virus, qua các vật chủ mang như bò, lợn, gà… Véc-tơ truyền bệnh là muỗi ngoài trời, không phải muỗi trong nhà. Mùa viêm não Nhật Bản B ở miền Bắc được xác định là từ tháng 4 – 6 hàng năm do thời tiết thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển, đốt người chưa có miễn dịch, tập trung ở nhóm 3-15 tuổi. Để phòng bệnh, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả” – PGS Điển nói.
Từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện này có khoảng hơn 20 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, chiếm khoảng 30% – 40% trong tổng các loại viêm não, chưa có ca tử vong… Các ca bệnh đều chưa được tiêm hoặc chưa tiêm dủ vaccine phòng bệnh.
Hầu hết bệnh nhân viêm não Nhật Bản vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương được nhận định là những ca bệnh nặng, đã có co giật, hôn mê, kèm các biến chứng nhiễm trùng khác. Dù các bác sĩ rất cố gắng xử lý sớm phác đồ viêm não Nhật Bản nhưng tỷ lệ để lại di chứng rất cao (về tinh thần, vận động, trẻ không tiếp xúc được như bình thường, chân tay yếu, tăng trương lực ca).
Cụ thể, tỷ lệ chữa khỏi khoảng 50%, tỷ lệ bị di chứng nhẹ, vừa chiếm khoảng 25%, tỷ lệ di chứng nặng khoảng 20-25%, trong đó nhiều trường hợp phải sống thực vật, dù tỷ lệ tử vong cũng khoảng 2-3%… Điều này rất đáng ngại bởi dù có sống, trẻ có di chứng cũng có cuộc sống khó khăn.
“Có vào bệnh viện, chứng kiến cảnh những bệnh nhân bị viêm não di chứng thần kinh, bại não, dù được cứu sống nhưng phải sống thực vật cả đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội thì mới thấy sự cần thiết của việc tiêm vaccine” – PGS.TS Trần Minh Điển nói.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, với những bệnh mà vaccine 5 trong 1 (được tiêm miễn phí) hoàn toàn phòng ngừa được (trong đó có bạch hầu, ho gà, uốn ván…), phụ huynh nên mạnh dạn đưa con em đi tiêm.
“Gần đây, tỷ lệ trẻ mắc ho gà nhập viện rất nhiều, mức độ rất nặng, đôi khi tử vong chỉ vì nhiễm vi khuẩn ho gà. Trong khi đó nếu đã được tiêm phòng rồi, nguy cơ mắc bệnh giảm thiểu. Đương nhiên khi tiêm vaccine vào, cơ thể trẻ sẽ có phản ứng để tạo miễn dịch đặc hiệu chống đỡ lại virus” – TS Điển nói thêm.
Do đó, với những ai còn e ngại tiêm phòng cho con, PGS.TS Trần Minh Điển “mời” vào bệnh viện Nhi để chứng kiến những di chứng nặng nề ở trẻ khi cha mẹ không cho con tiêm, tiêm dủ vaccine phòng ngừa, mang lại.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, dịch sởi năm nay có nhiều diễn biến bất thường. Dù đã giữa hè, chưa phải cao đột biến như năm 2014 nhưng số ca mắc lên tới hàng trăm ca/ tháng trong hè 2019.
Thông thường, dịch sởi bùng phát mạnh vào mùa đông xuân, khi vào hè thì số ca mắc sẽ giảm mạnh và hết. Thế nhưng năm nay, dù hiện đã vào giữa mùa hè, số ca bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong tháng 5/2019, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh sởi. Con số này vẫn có xu hướng tăng cao. Số bệnh nhân người lớn mắc sởi chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với mọi năm, nhất là độ tuổi từ 25-35 tuổi.
Qua khai thác tiền sử, hầu hết người bệnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng sởi.
Ngoài sởi, tại Trung tâm bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều ca thủy đậu, quai bị. Dù hai bệnh này được coi là các bệnh mùa đông xuân. Lượng bệnh nhân mắc cúm trong tháng 5 tại Trung tâm lên tới hàng trăm ca.
Nguồn: Giadinh.net