Đổ mồ hôi trộm là một từ khá quen thuộc trong dân gian, dùng để chỉ những trường hợp trẻ ra mồ hôi nhiều ở vùng lưng, bàn tay, bàn chân, gáy, nách. Những vùng cơ thể khác như bụng, cánh tay, đùi đều không đổ mồ hôi. Thậm chí, trong thời tiết lạnh, bé mặc quần áo thoáng mát cũng vẫn đổ mồ hôi, nhất là trong lúc nằm ngủ.
Có lẽ mẹ rất lo lắng vì tình trạng của con nhưng mẹ lưu ý răng, không phải tất cả trường hợp trẻ ra mồ hôi trộm đều đáng lo. Chỉ những trường hợp trẻ đổ mồ hôi do bệnh lý, mẹ mới nên đưa bé đi khám. Vậy, làm sao để phân biệt được đổ mồ hôi sinh lý và bệnh lý?
Ra mồ hôi trộm có thể là dấu hiệu sinh lý bình thường
Theo các chuyên khoa nhi khoa,đa số trẻ ra mồ hôi trộm đều xuất phát từ sinh lý, không cần điều trị và không ảnh hưởng tới sức khoẻ và quá trình phát triển của trẻ. Khi lớn lên trẻ sẽ tự hết.
Bởi với trẻ nhỏ, lượng nước tích trữ trong cơ thể thường nhiều.Trẻ mới sinh thường có tỉ lệ tích nước lên đến 85% (trong khi đó ở người lớn mức độ này mới dừng ở khoảng 60%). Việc tích nước nhiều, cơ thể lại thải ra bằng đổ mồ hôi khiến cho nhiều trẻ luôn trong tình trạng nhễ nhại. Chưa kể, nhiều khi cha mẹ hay ủ ấm bé quá kỹ, trong nền nhiệt độ cao… càng kích thích cơ thể tăng tiết mồ hôi.
Đáng chú ý, khi trẻ còn nhỏ, trẻ chưa hoàn thiện được hệ thần kinh ức chế mồ hôi. Điều này khiến cho thân nhiệt chưa được kiểm soát tốt cũng dẫn đến việc đổ mồ hôi nhiều. Ngoài ra, trẻ có đặc điểm phát triển rất nhanh, để phục vụ sự phát triển này, cơ thể buộc trao đổi chất rất mạnh, ngay cả khi ngủ. Vì vậy, trẻ sinh ra lượng nhiệt lớn, thể hiện ở việc nhiệt độ cơ thể của trẻ thường cao hơn người lớn và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ra mồ hôi khi trẻ vừa mới ngủ.
Thông thường, mồ hôi sinh lý sẽ xuất hiện nhiều ở vùng đầu, cổ khoảng 30 phút sau khi bé ngủ và kéo dài khoảng 1h, thường ra nhiều lúc bé mới ngủ, ngủ chưa say và giảm dần khi bé ngủ say. Ngoại trừ vấn đề mẹ để nhiệt độ phòng cao, ủ ấm cho con quá thì việc ra mồ hôi là điều khó tránh khỏi.
Ra mồ hôi trộm cũng có thể do bệnh
Bên cạnh đổ mồ hôi sinh lý, ở nhiều trẻ, đổ mồ hôi là dấu hiệu cảnh báo sự bất thường, nhất là khi trẻ đi kèm với biểu hiện quấy khóc, ngủ không ngon, giật mình, rụng tóc vành khăn… Lúc này trẻ không chỉ ra mồ hôi ở đầu, cổ mà còn ra mồ hôi ở trán, nách, lưng. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp làm trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm nhiều, mẹ lưu ý nhé!
Thiếu Vitamin D và can-xi : Đây là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng mồ hôi trộm bệnh lý. Việc thiếu vitamin D khiến cơ thể trở không thể hấp thụ canxi, khiến cho trẻ hay giật mình do ảnh hưởng hệ thần kinh. Nặng nề hơn, trẻ sẽ bị còi xương, chậm lớn, chậm mọc răng, chân vòng kiềng và bị ngực ưỡn “ức gà”.
Rối loạn thần kinh thực vật : Là tình trạng mất cân bằng của hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Với trường hợp này, trẻ không chỉ ra mồ hôi trộm về đêm nhiều mà còn ra nhiều mồ hôi ở lòng bàn tay vào ban ngày không kể mùa lạnh hay mùa nóng.
Lao sơ nhiễm : Đa phần những trường hợp lao sơ nhiễm đều có dấu hiệu “âm thầm”: sốt nhẹ về chiều, biếng ăn, sút cân, đổ mồ hôi, ho dai dẳng. Trong một số trường hợp trẻ cũng có thể bị đau bụng, tiêu chảy kéo dài…
Trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm nhiều, liên tục sẽ làm cơ thể mất đi một lượng nước đáng kể, từ đó làm người mệt mỏi, dễ đau ốm, suy nhược. Hơn nữa, trẻ đổ mồ hôi trong lúc ngủ có thể bị lạnh, dẫn đến các chứng bệnh về hô hấp. Vì vậy, dù là sinh lý hay bệnh lý thì khi con đổ mồ hôi mẹ cần thực hiện những bước sau đây:
– Cho bé ngủ nơi thông thoáng, quần áo chọn chất liệu thoải mái, có khả năng thấm hút cao.
– Khi trẻ đổ mồ hôi nhiều, mẹ nên dùng khăn lau người cho con, đồng thời nếu mồ hôi ướt áo, mẹ cần thay áo để tránh thấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh.
Với cách phân biệt như ở trên, bố mẹ đã phần nào nhận biết được con mình đang có dấu hiệu đổ mồ hôi sinh lý hay bệnh lý. Như vậy, nếu nguyên nhân là do thiếu Vitamin D và canxi , mẹ cần lưu ý đến việc tắm nắng cho con vào buổi sáng, chú trọng hơn đến việc bổ sung dinh dưỡng cho con. Ngoài ăn uống, mẹ có thể cho con sử dụng các chế phẩm chứa đồng thời Vitamin D và canxi, lưu ý lựa chọn canxi hữu cơ để giúp con hấp thu tốt và hạn chế các tác dụng phụ.
Nếu nghi ngờ các nguyên nhân khác, mẹ nên đưa con đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời mẹ nhé.
Mọi thắc mắc gửi vào hòm thư: https://m.me/SoMeVaBe hoặc liên hệ hotline giải đáp trực tuyến: 08 8920 1098